Trường Đại học Công nghiệp Vinh (IUV) hiện đang hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị đi đầu trong đào tạo, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động khu vực Bắc Trung Bộ - Ảnh Phó Bá Cường
Đơn vị cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao
IUV với tầm nhìn trở thành một trường đại học đào tạo đa ngành, đa bậc hoạt động theo định hướng ứng dụng, có uy tín và chất lượng, từng bước đạt chuẩn quốc gia và khu vực, đóng góp nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Cùng với đó là sứ mệnh trở thành cơ sở giáo dục cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập thế giới.
IUV đặt mục tiêu đào tạo một thế hệ công dân hàng đầu có kiến thức chuyên môn vững vàng với ý thức nghề nghiệp nghiêm túc; Có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; Có trình độ tay nghề cao và tình yêu nghề nghiệp; Có năng lực dồi dào và tác phong hiện đại, kỹ năng mềm tốt, tự tin cống hiến, giàu sức sáng tạo và tinh thần học hỏi trong môi trường hội nhập toàn cầu. IUV luôn nêu cao tinh thần “học đi đôi với hành”, nhằm giúp sinh viên theo học tại trường có thêm trải nghiệm thực tế, phần nào định hướng được con đường nghề nghiệp tương lai của mình. Nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan, tìm hiểu, giao lưu trực tiếp tại các nhà máy, đơn vị sản xuất,… để sinh viên dễ dàng quan sát, nắm bắt thực tế.
Tiến sĩ Trần Mạnh Hà, Q. Hiệu trưởng IUV chia sẻ: “Nhà trường luôn đồng hành cùng các em sinh viên trong suốt khóa học để giúp các em trở thành những công dân tốt, những kỹ sư, cử nhân giỏi, có đủ kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế và tham gia thị trường lao động toàn cầu. Ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, sinh viên học tập tại IUV còn được trang bị thêm kỹ năng mềm và kỹ năng hội nhập,… Thực hiện mô hình đào tạo gắn kết toàn diện cùng doanh nghiệp, IUV cam kết 100% sinh viên được học tập thực tế, phấn đầu 95% sinh viên có việc làm sau khi ra trường”.
Tăng cường liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế
Tiến sĩ Trần Mạnh Hà cho biết nhiệm vụ quan trọng của nhà trường kể từ năm học 2020 - 2021 là đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, đưa khoa học và công nghệ đóng góp vào sự phát triển bền vững của nhà trường.
Đoàn trường IUV làm việc với Công ty Luxshare ICT - Ảnh Phó Bá Cường
Sinh viên của trường ngoài việc được trang bị năng lực ngoại ngữ và tin học cũng như các kiến thức bổ trợ như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, phương pháp tự học, phương pháp nghiên cứu khoa học,... Nhờ vào mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, sinh viên luôn có cơ hội thực hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt tại các công ty, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tiếp cận và làm quen các công nghệ mới được ứng dụng trong sản xuất nhằm rèn luyện các kỹ năng thực tiễn và năng lực làm việc trong môi trường hiện đại.
IUV đã kết nối và đang hợp tác với nhiều đơn vị doanh nghiệp, cơ sở đào tạo lớn như Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina, Công ty TNHH Luxshare – ICT (Nghệ An), Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế,… Đây là điều kiện thuận lợi giúp sinh viên có thể tăng cường kiến thức, kỹ năng cũng như tìm được việc làm đúng chuyên môn ngay khi ra trường. Sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp lớn và được doanh nghiệp ưu tiên tuyển chọn sau khi tốt nghiệp theo thỏa thuận ký kết với nhà trường.
Nhờ vào mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, sinh viên luôn có cơ hội thực hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - Ảnh Phó Bá Cường
Trong năm 2021, IUV tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án Tăng cường hệ thống giáo dục Việt Nam nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm việc làm và kỹ năng khởi nghiệp của sinh viên tốt nghiệp (gọi tắt là V2WORK). Dự án này nằm trong khuôn khổ Chương trình Eramus, được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu. Dự án bao gồm các thành viên: (1) Phía châu Âu có: Đại học Alicante (Tây Ban Nha) - Điều phối, Đại học Coimbra (Bồ Đào Nha), Đại học FH Joanneum (Áo); (2) Phía Việt Nam có: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Xã hội AIESEC Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Vinh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Nha Trang, trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Trà Vinh.
Dự án V2WORK được triển khai trong 3 năm, từ tháng 3/2018 với 2 mục tiêu chính là: (1) Hiện đại hóa các dịch vụ hỗ trợ nghề nghiệp của 08 trường đại học Việt Nam thông qua việc xây dựng năng lực thể chế và nhân viên về kỹ năng làm việc và tinh thần khởi nghiệp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên và sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học. (2) Củng cố mối quan hệ hợp tác nhà trường - doanh nghiệp thông qua việc xây dựng các cơ chế nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào Trung tâm Hướng nghiệp.